Nhân sinh thất thập cổ lai hi
Tam thập như lập
Tứ thập nhi bất hoặc
Ngũ thập tri thiên mệnh
Lục thập như bất tùng kê
Thất thập cổ la hy
Bát thập đắc hi hỉ
Cửu thập siêu thọ
Bách thập niên giai lão
Bao nhiêu tuổi là THỌ ?
Ngày xưa ở Việt Nam, cha mẹ sống đến 50 tuổi được xem là THỌ. Con trai trưởng, nếu không có con trai, thì con gái trưởng, đứng ra tổ chức Lễ Thọ cho cha mẹ. Ý nghĩa của Lễ Thọ là con cái tế lễ Trời Đất, tạ ơn Trời Đất đã cho cha mẹ sống thọ, nhờ đó con cái có được điều kiện báo hiếu cha mẹ.
Ngày nay, theo điều tra khoa học, tuổi thọ trung bình là 78 tuổi cho phụ nữ, và 76 tuổi cho nam giới. Như vậy, tuổi thọ có nhiều cách qui định, không đồng nhứt, nhiều địa phương khác nhau ?
Để có được vài khái niệm sơ lược về tuổi thọ của người Á đông, chúng tôi tìm đến tham khảo ý kiến uyên bác của một Thầy Đồ ở Paris. Theo Cụ Đồ này, ngày nay người Việt Nam hay người Á đông, nói chung, vẫn còn giữ lễ Lục Tuần, hay Đáo Tuế, tức quay trở lại chu kỳ 60 năm, tức lễ Thọ. Hay còn được gọi đó là Hoa Giáp Chi Niên. Người được 60 tuổi gọi là “Kỳ lão”.
Từ đây, chúng tôi xin được gọi quí bạn hữu trong nhóm đã lên Kỳ lão là Cụ. (Nên nhớ, trước đây, hai ông Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm lúc về nước nắm Chánh quyền, chỉ mới hơn 50 tuổi, đều để mọi người gọi mình bằng CỤ. Giờ đây, tại sao chúng tôi không gọi các bạn của chúng tôi đã trên 60 là CỤ ?)
Người được 70 tuổi gọi là “Cổ Hi Thọ” bởi ngày xưa rất ít người sống đến 70 tuổi. Do đó mới có câu “ thất thập cổ lai hi ”:
“Tiểu trái tầm thường hành sử hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hi”.
Đại ý muốn nói “Món nợ nhỏ người thường dễ có. Người sống đến 70 tuổi thì hiếm”. Nhưng thọ 70 hãy còn thuộc hạng thấp, TIỂU THỌ mà thôi. Người sống đến 80 tuổi hay “bát thập kế chi ”, chỉ được xếp vào hạng TRUNG THỌ.
Ở Việt Nam ngày xưa, tuổi 80 gọi là Trượng Triều. Người được 80 tuổi có quyền cầm gậy (=trượng) đi vào Triều đình (=triều) để dâng kiến nghị thẳng lên Vua, hoặc phê phán, đề nghị với Triều đình về việc nước mà không bị ngăn cản. Vì vào tuổi đó mà còn sáng suốt, còn quan tâm đến việc nước, không vì tư lợi, thì nhà Vua và Triều đình phải lắng nghe. Truyền thống tốt đẹp này được tôn trọng dưới thời quân chủ cực thịnh ở Việt Nam, rất tiếc, ngày nay không còn nữa !
Từ 80 tuổi trở lên, gọi là “Tản Thọ”. Trên 90 tuổi mới được gọi THƯỢNG THỌ. 100 tuổi, gọi CAO THỌ. 108 tuổi, gọi TRÀ THỌ.
Chúng tôi có hỏi Cụ Đồ ý nghĩa của hai chữ Trà Thọ, Cụ lắc đầu bảo Cụ cũng không hiểu tại sao lại gọi như thế.
Theo nấc thang tuổi thọ trên đây, thì bốn Đại Huynh của nhóm bạn hữu chúng tôi chỉ mới bước qua ngạch TRUNG THỌ mà thôi. Các Cụ phải đợi mười năm nữa mới thật sự được chúc mừng là THƯỢNG THỌ. Về tuổi Thọ của các Cụ, theo kết quả điều tra chánh thức, chỉ … hơn các bà có 2 tuổi. Thôi thì … các Cụ cố nhẫn nại vậy, chờ đến Thượng Thọ.
Các từ Nhật ngữ liên quan tới tuổi thọ
Ðặng Lương Mô
Gần đây, nhân nói chuyện với vài bạn exryu tuy nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng cũng đã vượt qua tuổi 60 mươi, nghĩa là “sudeni kanreki wo mukaemashita (すでに還暦を迎えました),” tôi có nói rằng tiếng Nhật rất giầu từ vựng về tuổi thọ. Các bạn này đã rất ngạc nhiên khi nghe tôi kể ra một dọc những từ vựng như vậy. Xét ra đây cũng là một tri thức thuộc phạm trù zatsugaku雑学, tôi xin ghi lại đây để các bạn khác đọc mua vui trong giây lát. Nên biết rằng ngay người Nhật ở trình độ tốt nghiệp đại học cũng ít người biết hết những từ vựng này.
1. 60 tuổi: Kanreki 還暦(Hoàn Lịch). Từ này có lẽ phần đông các bạn exryu đều biết cả. Hoàn lịch là “trở lại vòng lịch.” Ðây là nói sự trở lại từ đầu của chuỗi 60 tổ hợp giữa Thập Can 十干(tức là Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và Thập Nhị Chi 十二支(tức là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Hẳn các bạn còn nhớ cách tính bội số chung tối thiểu (saishou koubaisuu最小公倍数, Least Common Multiple = LCM): LCM{10=2x5,12=22x3} = 22x3x5 = 60. Lễ mừng thượng thọ Kanreki ở Nhật Bản làm vào ngày sinh nhật thứ 60, nghĩa là lúc được tròn 60 tuổi. Các bạn exryu sang Nhật những năm đầu của thập niên 1960 thì nay đều đã bước qua ngưỡng cửa Kanreki rồi. Omedetouおめでとう!
2. 70 tuổi: Koki 古稀(Cổ Hi). Từ này cũng khá phổ biến nên nhiều người biết và quen gọi là Cổ Lai Hi ở Việt Nam, do câu thơ Ðỗ Phủ 杜甫 “Nhân sinh thất thập cổ lai hi,人生七十古来稀” nghĩa là “đời người được bảy mươi năm xưa nay là hiếm có.” Lễ mừng thọ Koki thường được tổ chức vào ngày sinh nhật thứ 69, nghĩa là ở tuổi đếm (kazoe-doshi数え年) 70, chứ không ở tuổi chẵn 70. Tuổi đếm tiếng Việt là “tuổi ta, tuổi mụ.” Tuy nhiên, ai đã lỡ quên không ăn mừng thọ Koki ở tuổi đếm 70, thì làm lễ vào tuổi chẵn 70 cũng được. Trong đám exryu có người đã được chẵn 70 tuổi (đố biết ai?), nếu năm ngoái chưa ăn mừng Koki thì năm nay nên làm lễ đi. “Koki wo o-mukae shite, omedetou gozaimasu 古希をお迎えしておめでとうござい� �す.”
3. 77 tuổi: Kiju喜壽(Hỷ Thọ). Gọi là Hỷ Thọ, bởi vì đây là do chữ Hỷ 喜viết lược thành , và đọc chiết tự thành Thất Thập Thất, 七十七, tức là Bảy Mươi Bảy.
4. 80 tuổi: Sanju傘壽(Tản Thọ). Gọi là Tản Thọ, bởi vì chữ Tản 傘viết lược thành仐, và đọc chiết tự thành Bát Thập八十, nghĩa là 80.
5. 88 tuổi: Beiju米壽(Mễ Thọ). Gọi là Mễ Thọ, bởi vì chữ Mễ 米nếu chiết tự sẽ thành Bát Thập Bát八十八, nghĩa là 88.
6. 90 tuổi: Sotsuju卒壽(Tốt Thọ). Gọi là Tốt Thọ, bởi vì chữ Tốt 卒viết lược sẽ thành卆, và triết tự thành Cửu Thập九十, tức là 90.
7. 99 tuổi, tức tuổi đếm 100: Hakuju白壽(Bạch Thọ). Sở dĩ gọi là Bạch Thọ, bởi vì chữ Bạch白là chữ Bách百(100) bỏ chữ Nhất 一(1) đi, nên chỉ còn 99. Giống như trường hợp Koki, ở Nhật người ta ăn mừng tuổi thọ 100 tuổi theo tuổi đếm.
8. 110 tuổi: Kouju皇壽(Hoàng Thọ). Chữ Hoàng gồm chữ Bạch白(99 tuổi) cộng với chữ Vương王. Chiết tự chữ Vương王sẽ thành Nhất Thập Nhất 一十一(11). Vậy 99+11=110.